Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Quá trình phát triển của lứa tuổi thanh thiếu niên

Quá trình phát triển của lứa tuổi thanh thiếu niên

Chúng ta cần hiểu nhiều hơn về các giai đoạn phát triển của lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 13 đến 19 tuổi) để chúng ta không coi cách cư xử của trẻ ở lứa tuổi này là nhằm chống lại chúng ta. Bằng cách quen với các giai đoạn phát triển này, chúng ta tăng khả năng khuyến khích con trẻ và thiết lập nhận thức về cá tính của trẻ.

Lứa tuổi thanh thiếu niên đang chuẩn bị phân tách hoặc tách khỏi gia đình. Trẻ đang trong tiến trình phát triển các giá trị của trẻ.

Tuổi thanh thiếu niên cần phải khởi đầu với sự phân tách này và trẻ nổi loạn là để đạt được điều này. Trẻ ở lứa tuổi này thách thức các nguyên tắc và các giá trị theo cách thiết lập riêng những nguyên tắc và giá trị của trẻ. Thời thanh niên không thể rời xa mọi người, nhưng trẻ sẽ xung đột và chạm trán với mọi người.

Trẻ ở lứa tuổi này có thể khiếm nhã hoặc cười nhạo cha mẹ và những nhân vật có uy quyền khác, và không muốn ở với họ. Trong tâm trí của lứa tuổi thanh thiếu niên, trẻ thách thức nhằm để đòi quyền tự quản và ý nói rằng trẻ không cần bố mẹ, và thường coi thách thức giống như một phương pháp thử nghiệm sự quan tâm của cha mẹ.

Do có sự thay đổi về cơ thể, nên trẻ sẽ bối rối vì liệu trẻ có sẵn sàng muốn lớn lên hay không.

Các thay đổi về hoóc môn cũng khiến tính khí của trẻ thay đổi như mau nước mắt, nhạy cảm hơn, nổi giận bất thình lình, tăng nhu cầu cho các hoạt động thể chất và cười không đúng chỗ.

Lứa tuổi thanh thiếu niên bắt đầu thành lập các mối quan hệ của trẻ với các bạn cùng độ tuổi để tìm ra những người bạn phù hợp với chúng.

Lứa tuổi thanh thiếu niên bắt đầu hiểu giới tính khác với khi trẻ còn nhỏ (nơi mà tình bạn, các mối quan hệ lãng mạn và/hoặc các cảm xúc tiêu cực sâu sắc có thể là bề nổi).

Nhu cầu riêng tư của lứa tuổi này cao. Sự riêng tư sẽ giúp trẻ có nhận thức mới về quyền hành và khả năng tự quản. Trẻ cần riêng tư để thử nghiệm những điều của riêng chúng mà không có sự tham gia của cha mẹ.

Lứa tuổi thanh thiếu niên có thể cảm thấy mình nắm hết mọi quyền lực và mọi kiến thức cùng một lúc, điều đó khiến chúng sợ sự thiếu hụt và thất bại.

Lứa tuổi này cần người lớn quan tâm, nhưng quan tâm theo cách khác với khi trẻ còn nhỏ.


(Theo International Network for Children and Families)

Để trở thành một người biết lắng nghe

Để trở thành một người biết lắng nghe
                                             
Lắng nghe là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ đơn thuần là nghe qua. Nó đòi hỏi người nghe phải biết chủ động trong buổi nói chuyện cũng như biết cách kết hợp một số kĩ năng và kĩ thuật nhất định. Dưới đây là một vài mẹo vặt và những phương pháp bạn có thể áp dụng để trở thành một người biết lắng nghe thực sự, một người mà người khác luôn muốn trò chuyện.

Lắng nghe một cách chủ động: Nên nhớ rằng bạn đang lắng nghe. Hãy hướng sự chú ý vào người nói và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bạn quan tâm: những gì họ đang nói.

Tập trung: Bày tỏ sự tôn trọng với người nói là việc làm cần thiết. Xem xét những ý kiến của họ thật kĩ lưỡng. Không nên đánh giá thấp hay tỏ ra coi thường những gì bạn đang nghe, vẻ mặt cũng không được lộ sự thiếu tôn trọng. Dĩ nhiên bạn không nhất thiết phải đồng ý với mọi việc họ nói, nhưng hãy đợi cho đến khi họ trình bày hết quan điểm của mình.

Đặt câu hỏi: Bạn sẽ có thắc mắc về những gì đã nghe. Và khi gặp thời điểm thích hợp, hãy đưa ra những câu hỏi để xác nhận lại thông tin, cũng là một cách để bạn bày tỏ sự quan tâm. Không nên lèo lái đề tài câu chuyện theo ý mình. Khi người nói bỗng dưng đề cập đến vấn đề nào đó khiến bạn đặc biệt quan tâm, bạn sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào, rồi sẽ cắt ngang người nói để thao thao bất tuyệt với chủ đề đó. Và thường dẫn đến kết quả là làm cho người nói chuyển đề tài sang câu chuyện của bạn. Những người biết lắng nghe luôn để người kia làm chủ tình hình. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì bạn hãy đặt câu hỏi. Trong lúc lắng nghe, bạn cũng không nên suy nghĩ xem đến phiên mình bạn sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì bạn sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói.

Hưởng ứng người nói: Đôi lúc khi bạn muốn khuyến khích người nói tiếp tục, hãy tỏ ra rằng bạn vẫn đang rất chú tâm tới câu chuyện của họ chỉ bằng cách nói: "Vậy ý của bạn là..." hay "Để xem tôi có hiểu đúng ý bạn không..." Và lặp lại những gì bạn nghĩ là mình đã nghe. Đây cũng là một cách hướng người nói sang chủ đề mới mà ngay chính họ cũng không định nói đến.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Hãy cởi mở với người nói. Mặt đối mặt và nhìn họ. Đừng để vật gì tạo ra khoảng cách giữa bạn và người nói. Nếu có thể, hãy bước ra khỏi bàn và ngồi bên cạnh họ. Cũng không nên khoanh tay trước ngực, hướng ra xa người nói, quay mặt đi chỗ khác, nhìn vào những thứ xung quanh trong phòng, hoặc liếc nhìn màn hình máy tính hay đọc sách báo. Hãy thực sự chú tâm vào người nói.

Diễn giải nội dung bạn muốn trình bày: Thường thì khi bạn không nắm vững một vấn đề, bạn sẽ chỉ chú tâm vào nói, nói và nói, thay vì phải diễn giải. Giải thích một cách chính xác có thể làm cho cả người nói và người nghe đều hiểu rõ vấn đề. Thật không dễ dàng khi phải suy đoán ý nghĩa ẩn sau những từ ngữ, lúc này diễn giải là rất cần thiết. Kỹ thuật này có thể giúp mọi người mở rộng cuộc nói chuyện, có thể khám phá những gì mà bạn thực sự muốn diễn đạt.

Im lặng: Im lặng làm cho người ta cảm thấy không thoải mái. Nó tạo một không khí nặng trĩu suy nghĩ và đôi khi là nỗi đau. Một người biết lắng nghe phải thật sự thoải mái khi ở trong môi trường đó. Thỉnh thoảng, chờ đợi vài phút trong im lặng sẽ giúp người nói có thể khai thác hết những cảm xúc thầm kín trong lòng. Làm chủ được sự im lặng, điều đó có nghĩa là bạn đã thành công.

Thực hiện được những yêu cầu trên, có thể nói rằng bạn là một người biết lắng nghe thực sự. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn màu hồng. Có đôi lúc, bản thân chúng ta gặp thất bại trong việc lắng nghe, một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Vậy, nguyên nhân nào khiến đại đa số chúng ta đều từng gặp khó khăn trong khả năng tiếp thu ý kiến, nhận xét của người khác?

Thái độ lắng nghe chưa tốt: Điếc hơn người điếc là người không muốn nghe. Ta thường hay ngộ nhận là ta biết rồi nên không muốn nghe hoặc chỉ nghe một phần, nhưng đến khi cần nhắc lại thì ta lại không nhớ. Tệ hại hơn nữa là ta chỉ nghe xem đối tác có gì sai, xấu để phản ứng lại.

Không chuẩn bị: Để nói một điều gì ta chuẩn bị rất kỹ tất cả các phương án. vậy mà trong giao tiếp ta chưa bao giờ chuẩn bị lắng nghe cả. Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Đó chính là nguyên nhân làm ta nghe kém hiệu quả.

Bốn cách phòng tránh côn trùng khi đi dã ngoại

Bốn cách phòng tránh côn trùng khi đi dã ngoại

Mùa hè là thời điểm thích hợp cho việc vui chơi, dã ngoại cùng nhiều hoạt động ngoài trời khác. Song cùng với đó là nỗi ám ảnh về những dị ứng như ngứa ngáy, sưng phồng, đau nhức... có thể gặp phải do vô tình tiếp xúc với các loại côn trùng. Tuy nhiên, chỉ với các phương pháp đơn giản sau đây, bạn đã có thể vứt bỏ những nỗi ám ảnh đó để tận hưởng một mùa hè tuyệt vời ở bất cứ nơi đâu bạn đến.


1. Chuẩn bị "mặt nạ" cho cơ thể

Hãy nghĩ đến các loại kem bôi, nước hoa... có tác dụng bảo vệ bạn khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với các loại côn trùng. Các hoạt chất này khi được sử dụng sẽ tạo ra một môi trường vô hình cách ly cơ thể khỏi sự nhận biết của các giác quan của côn trùng, thậm chí một số chất có thể gây ra những mùi hương phản cảm với côn trùng. Do vậy, khi đó bạn sẽ trở nên vô hình đối với chúng. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến những phản ứng của cơ thể đối với các loại kem bôi, nước hoa... đó. Nếu cơ thể bạn dị ứng với các chất trong thành phần của chúng thì tốt nhất là không nên sử dụng, tránh cho cơ thể những phiền toái khi tiếp xúc với các hoạt chất đó. Bạn cũng cần quan tâm đến thời gian tác dụng của chúng khi sử dụng, tránh tình trạng cơ thể bị mất tấm màn bảo vệ trong khi bạn vẫn thả mình vào các hoạt động vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, không nên để các loại kem bôi, nước hoa dính vào mắt, mũi, miệng và các vết thương hở trên cơ thể, bởi chúng có thể gây ra đau nhức cũng như các tác dụng phụ không mong muốn. Nói chung, các loại mặt nạ cho cơ thể đều có tác dụng tốt đối với các loài côn trùng nhỏ, tuy nhiên dường như chúng không thật sự có tác dụng đối với các loài ong! Bạn nên xem xét tận dụng việc ngụy trang cơ thể, đặc biệt khi bạn ở gần các khu vực ẩm ướt, cây cối rậm rạp.

2. Trang phục 

Không nên sử dụng trang phục quá chật bởi một số loài côn trùng như muỗi sẽ dễ dàng tiếp xúc với làn da của bạn. Màu của trang phục cũng không kém phần quan trọng. Rất nhiều loài côn trùng sẽ nhận biết và tấn công bạn nếu như có sự tương phản lớn giữa màu da và màu trang phục bạn đang mặc. Do vậy, nếu bạn có làn da trắng thì nên sử dụng trang phục sáng màu. Ngược lại, nếu làn da của bạn hơi nâu sậm thì tốt nhất nên sử dụng những trang phục tương đối tối màu. Tuy nhiên, bạn nên quan tâm tới môi trường nơi bạn đến, vì một sự nổi bật trong trang phục của bạn sẽ càng kích thích côn trùng nhiều hơn. Cuối cùng, đôi tất cũng cần được bạn quan tâm. Một số loài côn trùng rất nhạy cảm với mùi từ đôi chân của bạn. Do vậy, bạn nên sử dụng loại tất có thể thấm hút nhanh mồ hôi, khô thoáng để tránh gây mùi kích thích côn trùng.

3. Phương tiện chiếu sáng

Trong những buổi dã ngoại hay bữa tiệc ngoài trời, bạn nên chuẩn bị thêm nến, đèn cũng như những vật dụng chiếu sáng cần thiết khác. Khi màn đêm buông xuống, hình ảnh lung linh của ngọn nến sẽ càng làm không gian thêm lãng mạn. Hơn nữa, với một số loại nến như loại nến được chiết xuất từ dầu sả, không chỉ có tác dụng của một ngọn nến đơn thuần mà nó còn giúp tạo ra mùi hương ngăn cản côn trùng xâm nhập không gian của bạn. Khi sử dụng, bạn không nên đặt các ngọn nến tập trung vào một chỗ mà nên đặt chúng cách nhau khoảng 5m và theo vòng tròn. Như vậy sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

4. Nên chuẩn bị một chiếc quạt

Với một chiếc quạt, bạn không chỉ có thể xua tan cái nóng bức của mùa hè mà còn có thể bảo vệ bạn tránh tiếp xúc với các loại côn trùng có hại. Với kích thước nhỏ bé, chắc chắn côn trùng sẽ không thể nào có đủ sức để tiếp cận với làn da của bạn.



(Theo TTO)

6 bước để chiến thắng "bệnh" lưỡng lự

6 bước để chiến thắng "bệnh" lưỡng lự

Bước 1:

Hãy quyết định nếu bạn thật sự muốn làm một việc nào đó. Có thể kết quả sẽ không mang lại cho nỗ lực của bạn một sự đền bù tương xứng, nhưng bạn đã "làm" và "nhận" kết quả công việc.

Bước 2:

Nếu bạn muốn làm một việc nào đó, bạn hãy tự quyết định sẽ thực hiện công việc đó ngay vào lúc đang suy nghĩ hoặc sẽ làm vào lúc nào. Hãy cho công việc đó một tên gọi cụ thể và thời điểm để thực hiện và hãy thực hiện.

Bước 3:

Thông thường, giây phút lưỡng lự xảy ra khi bạn chợt nhận ra mình nên làm việc này, việc kia hoặc khi bạn vấp phải một vấn đề khá nan giải. Lúc đó, bạn hãy dũng cảm nói to với chính mình: "Nào, STOP" và bắt tay vào làm việc.

Bạn hãy trả lời câu hỏi: "Điều gì khiến mình lưỡng lự như thế này nhỉ?", câu trả lời có thể là: "Việc đó khó quá, có cách nào làm dễ hơn, vui hơn không?". Giải pháp trong trường hợp này là: Hãy chia công việc thành từng phần để dễ thực hiện, nên bắt đầu từ việc nhẹ nhàng nhất hoặc bạn sẽ nhờ đến sự trợ giúp ở phần việc khó nhất. Đừng tự ti cho rằng mình không đủ sức và nghiệp vụ để nhận lãnh một việc làm mà mình rất thích.

Hãy đánh giá khả năng của mình, nếu bạn không tự tin lắm hãy tham dự các khóa huấn luyện, hoặc trường hợp công việc quá sức mình hãy mạnh dạn thay đổi chỗ làm việc khác phù hợp hơn.

Bước 4: 

Hãy gọi điện hoặc gặp trực tiếp người có liên quan đến công việc. Đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để bạn giải quyết công việc, thay vì chỉ ngồi phỏng đoán hoặc mất thời gian để hỏi han những người không thể cung cấp thông tin chính xác cho bạn, đơn giản vì không phải phạm vi công việc, chức năng của họ.

Bước 5: 

Khi công việc hoàn tất, bạn nên dành thời gian kiểm nghiệm lại kết quả công việc. Khoảng thời gian này không nhiều nhưng quan trọng, giúp bạn nhìn lại và rút tỉa kinh nghiệm. Nếu bạn thực sự chưa hài lòng, hãy nhờ đến một chuyên viên có kinh nghiệm về lĩnh vực công việc bạn đã làm nhờ họ chỉ vẽ thêm.

Bước 6: Hãy thư giãn, ăn món mình thích, chơi thể thao như một cách tự thưởng cho mình vì đã chia tay với "bệnh" lưỡng lự. Song bạn cần nhớ, "căn bệnh" bạn vừa chia tay có thể tái phát. Điều này có nghĩa là bạn cần chuyển tải mọi công việc cần, sẽ và phải làm lên lịch làm việc và đừng bỏ qua bất kể những kế hoạch đã định ra.

Làm thế nào để trở thành một người đáng yêu

Làm thế nào để trở thành một người đáng yêu

Trở thành một người đáng yêu không có nghĩa là bạn phải gò ép những cảm xúc, hành động, cách cư xử của bạn theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn cứng nhắc. Bằng cách ghi nhớ những mẹo nhỏ này, bạn có thể trở nên một con người đáng yêu, tự tin, khỏe khoắn hơn nhiều.

Bạn phải ý thức được những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách khách quan. Hãy tự suy nghĩ về những tính xấu của chính bản thân mình như là nóng tính, hay tự ti, hay ghen tỵ, tham lam, khó tính, vô trách nhiệm, thiếu kiên nhẫn, ưa... gây sự.

Bạn có 2 lựa chọn: hoặc là tiếp tục sống với những suy nghĩ/cảm xúc tiêu cực đó, hoặc là phớt lờ nó và thay thế nó bằng hướng suy nghĩ/cảm xúc tích cực khác.

Tuy nhiên, bạn hãy nói "không" với những suy nghĩ tiêu cực. Có thể bạn không tin là bạn có đủ sức mạnh để vượt qua những suy nghĩ/cảm xúc ấy, nhưng mỗi khi phát hiện ra mình đang suy nghĩ một cách tiêu cực về một thứ gì đó, hãy chặn đứng suy nghĩ ấy ngay lập tức. Hãy hét "STOP" thật to! (Vâng, điều này ban đầu trông có vẻ ngớ ngẩn, nhưng hãy thử mà xem!) Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ nhận ra những suy nghĩ/cảm xúc tiêu cực không còn nữa. Hãy để cho đầu óc luôn bận rộn với những suy nghĩ lạc quan và thay thế những suy nghĩ tiêu cực một cách quả quyết, cứng rắn. Cách này sẽ khiến cho tâm trí bạn luôn bận rộn đến nỗi mà bạn không có thời gian để than thở, càm ràm về những điều vô nghĩa.

Hãy viết ra những câu châm ngôn của chính bạn, về những gì mà bạn mong muốn đạt được. Viết những câu ấy ra một tờ giấy và dán nó trên chiếc gương ở trong nhà tắm. Mỗi sáng, sau khi đánh răng, hãy đọc to nó lên! Bạn càng lặp lại nhiều lần, bạn càng có thêm lòng tin vào nó. Hãy năng làm việc tốt. Mỗi ngày hãy làm một điều gì có ích cho ai đấy, nhưng đừng có đi khoe khoang khắp nơi là "Tôi đã làm việc tốt!!!". Cho người ăn xin vài trăm đồng, những người già một tờ báo, "bo" cho người phục vụ. Cư xử như một người tuyệt vời sẽ làm cho bạn cảm thấy tuyệt vời. Tự "tán thưởng" mình về điều đó, nhưng cũng đừng quá phóng đại nhé!!!

Hãy hưởng thụ những gì bạn yêu thích,và tự nhủ rằng bạn xứng đáng với điều đó. Bạn cũng có thể đi chơi thể thao, hoặc đi mua sắm. Nên nhớ, những giờ phút ấy sẽ khiến đầu óc của bạn thoải mái nhất, vui vẻ nhất sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng do đó hãy... tận hưởng nhé!



Biên dịch: Kim Chi

để có được tự tin trong cuộc sống

Vài cách để có được tự tin trong cuộc sống

Có bao giờ bạn nhìn mình trong gương và ngượng nghịu trước hình ảnh của mình chưa? Nếu đó là thói quen của bạn thì tôi khuyên bạn nên từ bỏ nó. Nếu bạn không thích chính bản thân mình thì làm sao bạn có thể tự tin vào chính mình. Và nếu bạn thiếu sự tự tin nơi bản thân thì làm sao người ta có thể tin tưởng bạn? Nhiều người, dù già hay trẻ đều thiếu tự tin vào một thứ gì đó trong cuộc sống - có thể là thiếu tự tin về ngoại hình, giọng nói, lối sống, thói quen, công việc hay thậm chí là gia đình.

Khi đi phỏng vấn, sự tự tin sẽ giúp bạn xin được việc. Hãy tưởng tượng có 2 ứng viên được phỏng vấn, một người thì tự tin, quả quyết, còn người kia thì rất lo lắng. Dĩ nhiên người thứ nhất sẽ có ưu thế hơn. Không ai có được tự tin chỉ qua một đêm, mà đó là cả một quá trình, nhưng mọi người có thể đạt được nếu họ cố gắng. Những cách sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn:

1. Thích chính mình

Bước đầu tiên để tự tin hơn là phải chấp nhận và yêu thích bản thân. Bạn nên liệt kê tất cả những đặc điểm tích cực và điểm mạnh của mình trên một tờ giấy hoặc quyển sổ. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhắc nhở rằng mình cũng có rất nhiều tố chất đáng quý như những người khác. Từ đó, bạn sẽ yêu thích bản thân và cảm thấy tự tin hơn nhiều.

2. Tham gia các hội thảo

Cách rất tốt để tăng thêm tự tin là bạn hãy tham gia các hội thảo chuyên đề về bí quyết và hướng dẫn có được tự tin do những chuyên gia trình bày. Bạn có thể lấy những ý chính hoặc quan sát những cử chỉ và phong thái mà họ thể hiện.

3. Động viên bản thân

Dù chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn hay bài diễn văn, bạn hãy luôn tự nhủ rằng bạn sẽ làm được. Hãy động viên bản thân mỗi ngày và bạn sẽ thấy sự tự tin của mình không ngừng tăng lên. Một cách khác là hàng ngày sau khi đi học hoặc đi làm về, bạn nên liệt kê ít nhất 4 việc mà bạn đã làm tốt trong ngày hôm đó.

4. Vượt qua nỗi sợ hãi

Một số người lo sợ họ sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Điều đó sẽ là một bất lợi và làm mất sự tự tin của bạn vào chính mình, thậm chí cả những việc trong cuộc sống. Để từ bỏ cảm giác ấy, bạn hãy luôn nhắc nhở mình, sẽ không làm bất cứ việc gì một khi còn nỗi lo mình sẽ thất bại. Hãy tích cực và hãy làm việc hăng say.

5. Chấp nhận thất bại

Nếu bạn luôn luôn khóc lóc sau những thất bại, thì bạn sẽ chẳng thể nào tiến bộ được. Hãy nhớ rằng, những sai lầm và những thất bại đã qua không thể đảo ngược lại. Một người tự tin luôn nhìn về quá khứ để sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Nếu bạn thất bại một lần, không sao cả, hãy lấy nó làm bài học cho mình.



Biên dịch: Hoài Thương (vn9x)